Báo lỗi, nhờ hỗ trợ, yêu cầu cập nhập.
Lẳng Lơ Tao Nhã

Chương 164: Thanh Lâu và Hồng Lâu

Chương 164: Thanh Lâu và Hồng Lâu


- Giới Tử đệ sốt ruột sao?

Trương Đại từ ngoài cổng đi vào, cười nói:

-Ta còn định mấy ngày nữa mới về để cho Giới Tử đệ phải cuống đến đứng ngồi không yên mới thôi.

-Ha ha, vừa nhắc Tào Tháo thì Tào Tháo đến.

Trương Ngạc vừa cười vừa đi xuống bậc thang, nói:

-Chắc là đại huynh chờ đến ngày đăng ký thi phủ cuối cùng mới tới khiến cho Giới Tử phải cuống lên. Thật là thú vị, giống như trong diễn tuồng vậy, cứu binh đến thời điểm cuối cùng mới xuất hiện.

Trương Nguyên cười nói:

-Thật là tra tấn người khác, khiến đệ cuống đến phát bệnh, làm sao mà đi thi được nữa.

Vương Khả Xan mặt hoa da phấn đi theo Trương Ngạc vào, chắp tay trước ngực thi lễ với Trương Nguyên. Lần này Vương Khả Xan, Mã Tiểu Khanh và mấy người thanh kỹ cùng với Trương Đại đi Thượng Ngu.

Trương Ngạc cười nói:

-Vương Khả Xan, sao ngươi lại chắp tay trước ngực. Đáng ra ngươi phải hành lễ vạn phúc mới phải.

Vương Khả Xa mặt phấn vóc dáng mảnh mai như sương khói, quả thật nhăn nhó vén áo thi lễ khiến cho Trương Ngạc cười to.

Vương Khả Xan này rất giống con gái. Mỗi lần Trương Nguyên nhìn thấy gã ưu đồng ăn vận trang điểm như nữ tử này thì đều nghĩ có phải nữ giả nam hay không. Nhưng chắc là huynh đệ Trương Đại, Trương Ngạc đã tìm hiểu tìm hiểu kỹ qua rồi. Vương Khả Xan là thanh kỹ, đồng thời là luyến đồng (đồng tính). Việc này nói ra dường như có vẻ không hay, nhưng Trương Đại và Trương Ngạc đều thản nhiên, Vương Khả Xan cũng không cảm thấy xấu hổ. Đây là bởi vì phong cách thời đó như vậy. Thời Vãn Minh, không ít sĩ đại phu thích người đẹp như Long Dương, mà ngay cả huynh đệ Viên Trung Lang, Viên Tiểu Tu cũng vậy. Tùng Giang, Tô Châu là vùng có nhiều đàn ông nhất. Thậm chí ở Tô Châu còn có cửa hàng nam. Kỹ viện thì gọi là thanh lâu, còn cửa hàng nam sắc thì gọi là hồng lâu. Đây thật là điều kỳ quặc. Trương Đại trong ‘Mộ bia tự mình khắc chữ’thẳng thừng viết rằng ‘nữ tỳ đẹp, luyến đồng hay’. Trương Nguyên cảm thấy nữ tỳ đẹp thì được, chứ luyến đồng hay thì không cần, bèn nói:

-Đại huynh vừa từ Thượng Ngu trở về đó à?. Xin mời ngồi uống chén trà.

Trương Đại nói thẳng:

-Có trà gì ngon?

Trương Đại thưởng trà rất cầu kỳ, nếu trà kém thì không vừa miệng.

Trương Nguyên nói:

-Thật ra là có trà ngon, là trà Long Tỉnh Tây Hồ thượng đẳng .

Trương Đại không đợi Trương Nguyên nói hết lời thì đã vui vẻ nói:

-Tốt lắm, mau pha đi.

Rồi y ngồi vào chỗ của mình, chờ thưởng thức Tây Hồ Long Tỉnh.

Trương Nguyên cười nói:

-Tổng cộng đệ có hai cân trà Long Tỉnh. Một cân đã tặng tộc thúc tổ, một cân đệ tặng Tí Am tiên sinh.

Trương Đại “hứ” một tiếng, nói với Trương Ngạc:

-Đúng là ta phải hai đêm nữa mới nên về.

Trương Ngạc nói:

-Đúng vậy, có về sớm người ta cũng không nể tình, trà cũng không cho huynh uống.

Trương Nguyên cười nói:

-Tỷ tỷ của đệ lần này từ Thanh Phổ về nhà thăm bố mẹ, mang theo hai cân Điến Sơn bạch trà, đại huynh đã nếm qua chưa?

Trương Đại nói:

-Điến Sơn chính là ở bên kia Thanh Phổ. Điến Sơn mà cũng có bạch trà ư? Ta chỉ nghe nói bạch trà của núi Thiên Mục thôi. Bạch trà vốn là loại hiếm thấy. Trong “Trà Kinh” của Lục Vũ cũng có ghi lại nhưng ta chưa từng thưởng thức qua. Mau mau pha trà để ta nếm thử nào.

Rồi lại hỏi:

-Vậy ai pha trà?

Trương Nguyên nói:

-Trước kia là Y Đình, bây giờ là Thỏ Đình.

Trương Đại lắc đầu nói:

-Tiểu nha đầu Thỏ Đình kia làm sao biết pha trà, chỉ biết lấy nước đun sôi mà thôi. Bảo Vương Khả Xan đi pha trà đi.

Trà nghệ của Vương Khả Xan đều do Trương Đại dạy dỗ.

Trương Nguyên liền bảo Vũ Lăng dẫn Vương Khả Xan đi xuống phòng hầu ở phía dưới lầu nam để pha trà. Vương Khả Xan bưng theo một cái khay đặt ấm trà và ba cái chén trà đi ra để chuẩn bị trà cho ba người Trương Đại. Trương Đại ngửi mùi hương của trà nhíu mày, y hé nắp chén trà, nhấp một ngụm rồi nói:

-Đáng tiếc, đây là trà ngon. Chỉ có điều không biết cách chưng hơi và sấy trà tốt cho nên bây giờ chỉ có thể miễn cưỡng nhấp miệng thưởng thức mà thôi.

Trương Nguyên nhấp một ngụm, cẩn thận thưởng thức. Hắn không có vị giác tinh tế như đại huynh Trương Đại, cười nói:

-Đại huynh có thể phân biệt được mùi vị, tiểu đệ thật khâm phục.

Trương Ngạc cười hì hì nói:

-Nói đến phân biệt mùi vị ta lại nghĩ tới một chuyện. Năm kia ta từng đánh cuộc với đại huynh, nhường mất ba tỳ nữ.

-Không được nói!

Trương Đại quát, mặt đỏ lên.

Trương Ngạc cười to, hỏi Trương Nguyên:

-Giới Tử có biết ta và đại huynh đánh cuộc gì không?

Trương Đại chồm người lên bước ra ngoài. Trương Nguyên vội đuổi theo nói:

-Đại huynh chớ đi. Kỳ thi phủ này ngoại trừ người bảo đảm còn phải có một người bảo lãnh. Đại huynh hãy giúp đệ tìm một người với.

Trương Đại nói:

-Người bảo lãnh không cần tự tìm đâu. Tôn giáo thụ sẽ sắp xếp ghép đôi dựa theo tư cách ở Lẫm Sinh huyện học. Đệ là án thủ thi huyện (đỗ đầu thi huyện) thì sẽ do người đứng đầu năm ngoái bảo lãnh, là Chu Mặc Nông. Chu Mặc Nông có giao tình với ta rất tốt. Bây giờ đệ đi cùng ta đến hỏi thăm hắn được chứ?

Đây là vì y muốn bỏ Trương Ngạc lại.

Trương Ngạc cười nói:

-Đại huynh chớ đi. Hai người các ngươi chớ đi. Đại huynh, vậy đệ kể trước với huynh về việc đánh cuộc với Giới Tử lần trước nhé.

Rồi gã liếc qua Trương Nguyên, muốn xem Trương Nguyên cuống lên thế nào.

Trương Nguyên cũng không hấp tấp. Hắn mà hấp tấp thì Trương Ngạc sẽ càng đắc ý. Hắn biết Trương Ngạc muốn nói về chuyện bảo vật hào quang vạn trượng, bèn bảo:

-Tam huynh là người thích đùa cợt. Chuyện đó đệ không coi là gì. Tam huynh cứ nhắc tới chuyện đó thì không thú vị rồi, hãy tìm chuyện khác mới mẻ hơn đi.

Trương Ngạc thấy Trương Nguyên không hấp tấp thì cảm thấy không thú vị, liền nói:

-Vậy hay là nói về chuyện của đại huynh trước.

Lúc nãy Trương Đại còn khẩn trương, bây giờ cũng đã bình tĩnh lại, nói:

-Trương Yến Khách, chuyện hoang đường của đệ cũng không ít. Vậy chúng ta thi đấu đi, đệ nói một chuyện thì ta nói một chuyện.

Trương Ngạc cười nói:

-Hay đấy. Cứ như vậy đi. Huynh nói một chuyện, đệ kể một chuyện. Đầu tiên đệ phải nói về…

Đại Thạch Đầu chạy vào nói:

-Thiếu gia, ngoài cửa có một đám người chạy đến, đều nói là muốn gặp thiếu gia.

Trương Nguyên nghe thấy tiếng người ồn ào vọng bên ngoài hàng rào trúc, không rõ chuyện gì xảy ra, đứng dậy ra cửa xem. Trương Đại và Trương Ngạc cũng cùng đi ra thì thấy Lỗ Vân Bằng, Liễu Anh Tài và những khổ chủ bị Diêu Phục làm hại đi đến cảm tạ Trương Nguyên. Họ còn cầm theo khế ước, ngân lượng, còn mang theo ngỗng vịt, ôm vải vóc đến muốn tặng cho Trương Nguyên để tỏ lòng biết ơn. Nếu không có Trương Nguyên thì bọn họ làm sao có thể chống lại Diêu Thoại Côn, chỉ sợ là cả đời trầm oan khó thoát, bị chiếm mất điền sản, không dám mơ đến việc lấy lại được. Cho nên họ đều thật lòng cảm kích Trương Nguyên.

Trương Nguyên chắp tay thi lễ với mọi người đang vây xung quanh mình, họ đều là hàng xóm bà con thân cận:

- Tại hạ…

-Chư vị muốn đưa lễ vật gì thì cứ việc đưa, mau đưa đây. Có ân thì phải báo ân, không cần chỉ dẻo miệng. Lần này đánh bại Diêu Thoại Côn, công đầu thuộc về Trương Giới Tử đệ. Có công thì phải được hưởng lộc. Đến đây, đến đây. Ngỗng vịt thì để lại trong cửa hàng rào trúc, vải lụa thì để trên bệ đá xanh bên kia. Khế ước tiền bạc thì giao cho ta.

Người nói lời này đương nhiên là Trương Ngạc, kêu gọi mọi người mau mau tặng quà, gã vui lòng nhận hết.

Lỗ Vân Bằng dẫn đầu tiến lên, cầm hai tờ khế ước hai mươi mẫu ruộng giao cho Trương Ngạc. Lỗ Vân Bằng là người cảm kích Trương Nguyên nhất. Thiếu niên Lỗ Vân Bằng theo đường huynh (anh họ) Lỗ Vân Cốc đi khắp nơi tố cáo oan khuất mà Diêu Phục gây ra, cả gia sản bị mất hết. Lần này Hầu huyện lệnh phán sáu mươi mẫu ruộng của của Diêu Phục thuộc về Lỗ Vân Bằng. Lỗ Vân Bằng và đường huynh thảo luận một hồi thì quyết định lấy hai mươi mẫu ruộng để tạ ơn Trương Nguyên. Còn con trai của Phương tú tài lần này được chia năm mươi mẫu đất trên núi của Diêu Phục, cũng đưa ra khế ước mười mẫu đất để tạ ơn.Có người tặng bạc, nhiều thì mười lượng, ít thì hai lượng. Ngày xưa Diêu Phục làm làm điều ác thì bây giờ Trương Nguyên thu lễ, không, là Trương Ngạc thu lễ. Điều ác càng nhiều thì thu lễ càng hậu.

Trương Nguyên vội ngăn việc tam huynh thu lễ lại, rồi gọi Lỗ Vân Bằng lại hỏi:

-Đường huynh (anh họ)của ngươi không đến sao?

Lỗ Vân Bằng nói:

-Huynh ấy có đến. Mời Trương công tử xem, huynh ấy ở bên kia.

Trương Nguyên nhìn hướng Vân Bằng chỉ thì thấy Lỗ Vân Cốc mặc áo vải mang giày xanh đang đứng ở dưới một gốc cây hòe lớnở bên ngoài hàng rào trúc, chắp tay thi lễ với hắn từ xa . Trương Nguyên liền nói với Lỗ Vân Bằng:

-Ngươi mời đường huynh ngươi lại đây, ta có chuyện quan trọng muốn thương lượng.

Lỗ Vân Bằng liền đi ra cửa rào trúc, nhanh chóng trở lại cùng Lỗ Vân Cốc. Lúc này, Trương Ngạc đã thu được bốn mươi lăm mẫu khế ước và hơn trăm lượng bạc, ngỗng vịt chạy loạn đầy sân. Trên bệ đá chất vài chục súc vải lụa, hơn mười giỏ trứng gà, còn có cả trái cây đào và mận. Trương Ngạc có vẻ không hài lòng chê ít. Đối với y thì trăm lượng bạc thật ra không nhiều.

Lỗ Vân Cốc chắp tay thi lễ với Trương Nguyên:

-Giới Tử hiền đệ có chuyện gì chỉ bảo?

Trương Nguyên nói:

-Lỗ huynh, những lễ vật này ta không thể nhận. Nhưng ta thiết tưởng dùng số điền sản và tiền bạc này xây dựng một kho lương để trữ lương thực đề phòng mất mùa, cứu tế người dân gặp nạnTất nhiên nếu chỉ dựa vào số điền sản và tiền bạc này thì chưa đủ, còn phải đến những phú hộ trong bổn huyện để quyên tiền nữa. Bản thân ta xin quyên góp trước một trăm lượng.

Sau năm Gia Tĩnh, thiên tai thường xuyên xảy ra, quan phủ không có khả năng cứu đói nhiều như trước. Từ năm Vạn Lịch thứ hai mươi trở đi, hoàng đế lười chính sự. Mặc dù việc cứu đói giúp nạn dân thiên tai là chuyện đại sự cho dân chúng nhưng hoàng đế vẫn dây dưa bê trễ. Vì thế, không ít thân hào nông thôn giàu có ở địa phương đã tự xây kho lương chuẩn bị cho những năm mất mùa. Từ đó những thân hào địa phương đã thay thế thế chức trách cứu đói của quan phủ. Đây cũng là biểu hiện suy thoái của quan lại thời Vãn Minh. Lỗ Vân Cốc rất cảm động. Thủy hạn thường xảy ra. Năm nay đã hơn một trăm ngày chưa có mưa, chỉ sợ là sẽ có hạn hán lớn. Nếu như có kho lương thì có thể giúp cho nạn dân vượt qua năm mất mùa. Lỗ Vân Cốc lập tức lớn tiếng tuyên bố với mọi người việc này. Tất cả mọi người đều tán dương Trương công tử cao thượng, mời Trương công tử chủ trì việc xây dựng kho lương.

Trương Nguyên nói:

-Chư vị bà con, việc xây dựng kho lương còn phải đợi ta bẩm báo các trưởng bối trong tộc, sau đó mới định đoạt. Trễ nhất là trong tháng năm sẽ quyết định việc này.

Bình thường, xây dựng kho lương đều phải mời thân hào nổi tiếng của địa phương ra mặt, nếu không thì việc cũngkhông thành.

Trương Nguyên mời Liễu tú tài què chân và đám người Lỗ Vân Cốc ở lại bàn bạc việc xây dựng kho lương. Những người khác ở lại nghe một hồi rồi cũng đi về. Lúc này Trương Đại còn chưa biết là dân gian có khó khăn, không hề hứng thú với việc xây dựng kho lương. Trương Ngạc thì càng không phải nói, đưa khế ước và ngân lượng thu được giao cho Trương Nguyên. Gã gọi Năng Vượng ôm một con ngỗng về trước để về xào ăn.

Trương Nguyên mời Liễu tú tài mang những khế ước và ngân lượng hôm nay thu được ghi vào trong danh sách. Những ngân lượng và khế ước đó đều giao cho Lỗ Vân Cốc giữ. Công việc cụ thể trù bị kho lương sẽ bàn lại vào cuối tháng. Lỗ Vân Cốc cũng biết bây giờ Trương Nguyên phải chuẩn bị kỳ thi phủ nên cũng không dám quấy rầy, lập tức cáo từ.

Đám người Liễu tú tài và Lỗ Vân Cốc đi rồi, Trương Nguyên cùng Trương Đại đến tiếp kiến Chu Mặc Nông. Trên đường đi, Trương Đại hỏi Trương Nguyên:

-Giới Tử, đệ muốn bẩm báo tổ phụ việc xây dựng kho lương sao?

Trương Nguyên cười nói:

-Nếu bây giờ đệ đi nói thì chắc chắn là tộc thúc tổ sẽ mắng đệ một trận, nói đệ không làm việc đàng hoàng. Việc này chắc là phải đợi sau kỳ thi phủ mới nói.

Trương Đại nói:

-Xem ra Giới Tử có chí hướng lớn đấy, còn nhỏ tuổi mà đã chú ý tới dân sinh, không phải là một tên mọt sách.

Trương Nguyên cười nói:

-Chủ yếu là lễ vật này không nên thu, mà trả lại thì lại tiếc, chi bằng nhân cơ hội này làm một chuyện tốt.

Trương Ngạc cười ha hả.

Họ gặp Chu Mặc Nông ở Chu dinh thự bên hồ Bàng Công. Chu Mặc Nông biết được ông ta sẽ là người đảm bảo cho Trương Nguyên nên rất vinh hạnh. Chu Mặc Nông là người nghiện trà, Trương Đại là bạn trà của ông ta. Lúc này huynh đệ Trương Đại Trương Nguyên ở lại dùng cơm chiều. Sau khi ăn xong thì họ thưởng thức trà, thoải mái nói về các loại trà ngon trong thiên hạ. Trương Nguyên ngồi nghe, mở rộng thêm kiến thức đối với trà.

Trở về Phủ Học Cung từ hồ Bàng Công, Trương Đại hỏi Trương Nguyên có phải ngày mai đi phủ nha báo danh hay không.

Trương Nguyên nói:

-Ngày mai thầy của đệ là Tí Am tiên sinh đã bảo đệ dẫn hai huyện chư hiền đi Tị Viên. Tộc thúc tổ cũng muốn đi. Ngày mốt đại huynh hãy dẫn đệ đi báo danh đi.

Trương Đại rất thích du sơn ngoạn thủy nên nói:

-Vậy ngày mai ta cũng đi Tị Viên, xem Tị Viên như thế nào?




trước sau

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc A/D để lùi/sang chương.
Tải APP đọc truyện OFFLINE và nghe AUDIO khi mua combo. Điểm danh hàng ngày nhận Lịch Thạch