Ánh nắng chiều tà nhuộm đỏ cả thôn trang, Mao Kim Lan vội vã dắt trâu về nhà, trên lưng trâu còn chất một bó củi khô. Nhà nàng nằm ngay trung tâm thôn Nhị Đường. Từ trên núi xuống, nàng phải đi ngang qua khu nhà của đám thanh niên trí thức.
Mao Kim Lan chẳng hiểu nổi đám thanh niên trí thức tranh nhau chen lấn về nông thôn để "xây dựng" có cái bệnh gì. Sống khỏe re ở thành phố không thích, cứ phải đâm đầu vào cái chốn thâm sơn cùng cốc này. Lý đội trưởng bảo đó là chính sách của quốc gia, Mao Kim Lan ít học, chả hiểu mô tê gì. Lớn ngần này rồi, nàng chỉ biết mỗi tên mình.
Nhà nàng trọng nam khinh nữ, cả nàng và em gái Mao Kim Lệ đều không được học hành gì. Thằng anh thì học đến lớp 5, còn thằng em út đang học cấp hai.
Tiếng chuông trâu leng keng vang vọng. Mao Kim Lan tranh thủ lúc còn cách chuồng trâu một đoạn, nhanh tay lôi bó củi trên lưng trâu xuống, vác lên vai. Cả đội sản xuất chỉ có hai con trâu, nếu để ai thấy nàng bắt trâu kéo củi, khỏi cần người ngoài, mẹ nàng là Chu Đại Ni sẽ cho nàng một trận ra trò.
Dắt trâu về chuồng xong, nàng vác củi về nhà. Bố mẹ và anh trai đều đang làm ngoài đồng. Hôm nay là chủ nhật, thằng em Mao Kim Đào còn ở trường. Con em gái Mao Kim Lệ thì chắc đang ngủ nướng trong phòng.
Sáng nay, Mao Kim Lệ kêu ca không khỏe, Mao Kim Lan kệ xác. Lúc nào nó chả kêu đau kêu ốm, lạ gì! Múc một gáo nước từ chum, ừng ực một ngụm, rồi đổ phần còn lại vào chậu rửa mặt. Rửa mặt xong, cái mặt hầm hập vì nóng của nàng cũng dịu bớt phần nào.
Nằm trong phòng, Mao Kim Lệ nghe thấy tiếng động ngoài sân, lật người trên giường, cất giọng: "Chị hai, tí nữa chị nấu cơm nhé, em ngủ thêm tí nữa."
Mao Kim Lan lườm một cái: "Tự mà làm. Tao còn có việc."
Mao Kim Lan năm nay đã hai mươi ba tuổi, còn Mao Kim Lệ kém nàng năm tuổi, cũng mười tám rồi. Gái mười tám trong thôn ai chả theo cha mẹ, anh em ra đồng kiếm công điểm? Chỉ có con em gái nàng là dở chứng, ngày nào cũng kêu chỗ này đau, chỗ kia nhức.
Mao Kim Lan ngứa mắt với cái tật xấu này của nó.
Mao Kim Lan vốn sạch sẽ, vào phòng mình, lột hết ga giường bẩn cho vào chậu nhựa đỏ, tiện tay ném luôn cả bộ quần áo đã mặc mấy hôm trước vào. Ôm chậu ra khỏi nhà, đi về phía bờ sông nhỏ đối diện đường.
Con sông nhỏ rộng chừng một mét, nước sâu đến ngang eo người lớn. Nước sông trong vắt, lũ cá con bé bằng ngón tay út tung tăng bơi lội, trông thật nhàn nhã.
Mao Kim Lan xắn ống quần lên, đặt chậu lên bậc đá, ấn cục xà phòng giặt lên quần áo, xoa xoa cho sủi bọt rồi vò. Giặt xong, bưng chậu về nhà. Con em gái đã lồm cồm bò dậy, đang hì hụi nhóm lửa nấu cơm dưới bếp. Tiếng nồi niêu xoong chảo kêu loảng xoảng, Mao Kim Lan chẳng thèm chớp mắt.
Đợi nàng phơi đồ xong, dọn dẹp giường chiếu trong phòng tươm tất thì mẹ nàng là Chu Đại Ni và anh trai Mao Kim Quốc về đến nhà.
Thằng anh Mao Kim Quốc từ bé đã đi đứng khập khiễng, chân cao chân thấp. Cũng vì cái tật này, năm nay đã hai lăm mà vẫn chưa kiếm được mống nào dòm ngó. Mấy hôm trước, nàng vô tình nghe được bố mẹ bàn nhau, định dùng tiền sính lễ của nàng và Mao Kim Lệ để cưới vợ cho anh, à, còn để cho thằng Mao Kim Đào học cấp ba, rồi học đại học nữa chứ.
Chu Đại Ni không phải là một người mẹ hiền từ gì cho cam. Gánh nặng cuộc sống đè nặng lên vai bà và lão Mao, mới ngoài bốn mươi mà trông như đã sáu mươi.
Chu Đại Ni vừa về đến nhà thì lão Mao cũng lững thững theo sau. Mao Kim Lệ bưng đồ ăn lên bàn. Bữa tối thời này lúc nào cũng đạm bạc. Bữa nay ăn cháo ngô, mà cháo cũng chẳng sánh, bên trong thả cả nắm rau xanh, nhạt nhẽo vô vị, nấu nhừ tử, chẳng ngon lành gì.
Thức ăn thì có dưa muối và rau xanh xào. Dưa muối thì mặn chát, rau xanh xào thì chẳng có tí mỡ nào, cũng chẳng có vị muối gì. Nhưng trong nhà chẳng ai than vãn. Đều là những người từng trải qua những năm tháng gian khổ, có cái ăn là tốt lắm rồi.
Chu Đại Ni húp một ngụm cháo lớn, nuốt xuống rồi cất giọng: "Con Đại Nha năm nay hai mươi ba, con Tiểu Nha cũng mười tám rồi, cũng nên tính chuyện chồng con đi thôi. Nhà mình sống thế nào, các con cũng biết cả. Hai chị em xuất giá, của hồi môn sẽ không được bao nhiêu."
Mao Kim Lan cúi gằm mặt, chẳng nói gì. Nàng biết từ lâu rồi, cũng chẳng dám mơ mộng gì. Cũng may những năm nay nàng cũng tích cóp được kha khá, tính sơ sơ cũng được hơn chục tệ. Đều là tiền dành dụm từ bé đến giờ, chỉ là nàng không có tem phiếu.
Trong cái thời buổi gì cũng phải mua theo tem phiếu này, không có phiếu thì có tiền cũng chẳng mua được bao nhiêu thứ.
Mao Kim Lệ từ bé đã được cưng chiều, nghe những lời này thì bĩu môi: "Mẹ không cho con nhiều của hồi môn, đến lúc đó con bị nhà chồng khinh cho thì làm sao?"
Chu Đại Ni chẳng buồn ngẩng đầu lên. Bà nuôi bốn đứa con, sớm đã biết cái gì là "không lo thiếu mà lo không đều". Chuyện bát nước không đều tay bà thấy nhiều rồi. Trong lòng bà dĩ nhiên là thương Mao Kim Lệ hơn, nhưng lời này không thể nói ra được. Bà mà nói ra, con Đại Nha chắc chắn sẽ làm ầm lên.
Mao Kim Quốc há hốc mồm định nói gì đó, bị Mao Kim Lan ngồi bên cạnh đạp cho một cái, hắn ngậm miệng lại.
Hắn tuy là con trai, nhưng từ khi thằng em trai khỏe mạnh, lanh lợi ra đời thì trong nhà hắn càng ngày càng mất địa vị. Nhưng Mao Kim Quốc cũng chẳng để ý. Dù sao hắn cũng là một thằng phế vật, cưới loại vợ nào mà chả được?
Ăn tối xong, ngoài sân có người đến chiếu phim. Mao Kim Lệ ăn xong là ba chân bốn cẳng chạy ra ngoài xem. Chu Đại Ni và lão Mao là bậc trưởng bối, không đời nào rửa bát. Mao Kim Quốc dù thân tàn tật cũng là đàn ông, nên Chu Đại Ni cấm tiệt hắn bén mảng đến bếp núc. Thế là Mao Kim Lan từ năm ba tuổi đã phải tự rửa bát giặt quần áo. Sau này Mao Kim Lệ ra đời, Mao Kim Lan thương em, Chu Đại Ni cũng thường xuyên bảo Mao Kim Lan phải nhường nhịn Mao Kim Lệ.