Hơn nữa cái miệng của ông ta còn lợi hại hơn bút của ông ta, gọi là "tài chiến đệ nhất!" Đối diện với mười mấy tên ngôn quan dưới trướng Trương Thông luân phiên tiến cung, Hạ Ngôn chẳng hề lo sợ, phản kích sắc bén, bất kể đối phương dùng phương thức nào tiến công, ông ta đều có thể đánh cho tơi bời hoa lá, nhìn thấy ông ta là phải đi đường vòng.
Kết quả là càng đánh tên tuổi càng lớn, quan chức của Hạ Ngôn càng ngày càng to, người ủng hộ ông ta càng lúc càng đôn, cuối cùng Trương Thông thành vác đá đập chân mình, trong một lần vu cáo Hạ Ngôn, bị lật thuyền, bị thay thế chính bởi tiểu khoa viên trước kia chẳng hề để vào trong mắt.
Nhưng một nhân vật ghê gớm đến thế, về sau kết cục trở thành thủ phụ duy nhất đầu một nơi thân một nẻo trong hơn trăm năm qua, mà kẻ khiến ông ta gặp phải vận mệnh bi thảm là Nghiêm Tung.
Nghiêm Tung và Hạ Ngôn là đồng hương, Hạ Ngôn sau khi phát đạt, Nghiêm Tung liền ra sức lấy lòng, khi đó thanh danh Nghiêm Tung cực tốt, xuất phát từ tình đồng hương, Hạ Ngôn hết sức chiếu cố.
Thế nhưng cuối cùng Hạ Ngôn phát hiện ra, Nghiêm Tung là kẻ không hề có quan niệm đạo đức, lẽ phải, vì đạt được mục đích không từ thủ đoạn, là một tên gian thần miệng nam mô bụng một bồ dao găm.
Hạ Ngôn là người cương trực thẳng thắn, không chịu được có sạn trong mắt, nếu không đã chẳng đối lập với Trương Thông. Ông ta ghét nhất loại người mánh lới luồn lách, không may Nghiêm Tung chính là loại người đó, cho nên ông ta ghét cay ghét đắng, hi vọng kẻ này tránh mình ra càng xa càng tốt.
Hạ Ngôn không nể mặt lão ta nữa, thậm chí nhiều lần làm nhục Nghiêm Tung, nhưng không lập tức đuổi lão ta về Giang Tây...
Bởi vì Hạ Ngôn có một nhược điểm trí mạng, chính là mềm lòng, không muốn đẩy người ta vào bước đường cùng.
Nhưng như Nghiêm Thế Phiên nói, người không có ý hại hổ, nhưng hổ lại muốn hại người. Nghiêm Tung chịu đủ xỉ nhục của Hạ Ngôn, không muốn sống nơm nớp lo sợ nữa, cuối cùng lão ta ra tay với Trương Thông.
Bởi vì thông qua âm thầm quan sát, lão ta phát hiện ra, sự cường đại của Hạ Ngôn tới từ sự ủng hộ của hoàng đế.
Cho nên muốn đối phó với Hạ Ngôn, chỉ cần làm hoàng đế ghét ông ta là được, vừa khéo đây là sở trường của Nghiêm Tung, lão ta lấy ra công phu nịnh bợ, hầu hạ hoàng đế hơn cả cha ruột, làm hoàng đế vô cùng khoan khoái. Nhất là thái độ tích cực trong chuyện tu tiên của hoàng đế, làm Gia Tĩnh rất là hài lòng.
So sánh với Nghiêm Tung ngoan ngoãn nghe lời, thì Hạ Ngôn phạm vào nói thẳng, đồng thời phản đối hoàng đế tu luyện, càng ngày càng trở nên đáng ghét.
Nghiêm Tung ngày đêm dèm pha bôi nhọ, cuối cùng làm Gia Tĩnh dần xa lánh Hạ Ngôn, còn Hạ Ngôn lại chẳng thèm giải thích, bị ép nghỉ hưu.
Song về sau Nghiêm Tung nằm quyền, chính vụ làm rối loạn be bét, lại chuyên quyền ngang ngược, khiến Gia Tĩnh nhận thức được, kẻ này kém xa Hạ Quý Khê, liền mời Hạ Ngôn về làm thủ phụ, bắt Nghiêm Tung quay lại làm chức thứ phụ của lão.
Nghiêm Tung từ trên đỉnh cao ngã xuống, cùng lúc kiểm điểm sai lầm của mình, cũng ý thức một cách sâu sắc, chỉ cần ngày nào Hạ Ngôn còn chưa chết, mình sẽ vĩnh viễn là sự lựa chọn thứ hai.
Bởi vì trong lòng hoàng đế, bản thân vĩnh viễn không lợi hại bằng Hạ Ngôn. Muốn thay đổi tất cả, chỉ có huy diệt hoàn toàn ông ta.
Vì thế dựa vào sự kiện "Phục Sóc", lão ta dày công bày ra một loạt mưu kế, làm Hạ thủ phụ một lòng vì nước và đạo quân hoàng đế sợ phiền toái, triệt để quyết liệt với nhau.
Cuối cùng Gia Tĩnh đế phán định Hạ Ngôn "ép vua dọa quan", lệnh ông ta lập tức nghỉ hưu, rời khỏi kinh thành.
Hoàn cảnh khi đó của Hạ Ngôn với Nghiêm Tung hiện nay giống nhau, đều mất đi tín nhiệm của hoàng đế, nhưng chưa mất đi tình cảm của hoàng đế...
Dù sao cần mẫn tỉ mỉ hầu hạ Gia Tĩnh đế hơn hai ngươi năm, không có công thì cũng tốn sức. Phải nói là Gia Tĩnh đế đối đãi với Hạ Ngôn không phải là tệ, cho ông ta nghỉ hưu với hàm thượng thư, mặc dù không làm quan nữa, nhưng có quốc gia phụng dưỡng, tuổi già không cần lo lắng gì.
Nếu như hiện giờ Nghiêm Tung nghỉ hưu, hẳn càng được đãi ngộ tốt hơn, nhưng thực chất kém hơn rất nhiều.
Nhưng Hạ Ngôn rốt cuộc không về được tới quê nhà Giang Tây, nửa đường bị bắt trở lại, vì Nghiêm Tung sử dụng đòn trí mạng, lão ta lấy tội danh "biên tướng câu kết kinh quan", sai người cáo trạng Hạ Ngôn, làm Gia Tĩnh đế thay đổi chủ ý, bắt lão thủ phụ đi tới Thông Châu lại, lấy tội danh mưu đồ bất chính xử tử hình, tháng 10 năm Gia Tĩnh thứ 27, Hạ Ngôn bị chặt đầu, chết không nhắm mắt.
~~~~~~~~~~~~~~~~~~
Giờ đây tháng năm luân hồi, tình hình tương tự lại xuất hiện ở Đại Minh, nhưng lần này kẻ sắp nghỉ hưu là tên đồ tể năm xưa, mà học sinh của kẻ bị hại năm xưa lại nắm đồ đao sáng loáng trong tay.
Từ Giai chính là học sinh của Hạ Ngôn.
Nhớ lại chuyện trái lương tâm năm xưa, sợ hãi liền lan đi trong lòng Nghiêm Tung, vốn hết sức tự tin có thánh ân che chở, hiện giờ không tin tưởng nữa, Nghiêm Tung chìm vào trầm ngâm.
- Cha..
Nghiêm Thế Phiên bày ra vẻ mặt đau xót:
- Cha luốn cho rằng con bất nhân, chỉ biết nghĩ tới địa vị quyền thế của mình, ngay cả mẹ mình chết cũng chẳng để tâm.. Nhưng cha đã nghĩ tới chưa, đó là mẹ đẻ của con, từ nhỏ tới lớn coi con như bảo bối, con không đau khổ hay sao? Con cũng muốn giống như người khác, mang linh cữu hồi hương, mặc đồ gai, đốt tiền trước mộ tận hiếu lắm chứ.
- Nhưng con không thể!
Nghiêm Thế Phiên đấm ngực, ủy khuất hai mắt đỏ hồng:
- Bởi vì chúng ta đã cầm quyền quá lâu, đắc tội với qua nhiều người, không biết có bao nhiêu kẻ đang đợi đẩy chúng ta xuống mười tám tầng địa ngục kia kìa! Cả nhà chúng ta già trẻ có mấy chục nhân khẩu, còn cả thân thích của chúng ta, còn cả con nuôi, cháu nuôi, môn sinh, cố hữu, tính mạng của bao nhiêu người nắm hết trong một suy nghĩ của chúng ta.
- Cha tuổi đã cao, có thể dừng lại, nhưng con không thể, vì con vì cha, vì cái nhà này, vì tất cả mọi người phải ghé vai chống trời. Đó là con có hiếu với cả Nghiêm gia, còn về phía mẫu thân, hài nhi đợi tới khi chúng ta hoàn toàn an toàn rồi, có thể lui về rồi, sẽ từ quan hồi hương, dựng lều bên phần mộ mẫu thân, dùng nửa đời còn lại tận hiếu...
Nói xong khóc rống lên trước mặt Nghiêm Tung.
Lúc này bên ngoài cũng vang lên tiếng khóc lóc inh ỏi, ban đầu Nghiêm Tung còn tưởng rằng mình nghe lầm, nhưng về sau phát hiện ra không phải, liền sai Nghiêm Niên mở cửa phòng ra, thấy trong sân, nào con nào cháu, nào nội nào ngoại, hơn trăm người quỳ ở đó khóc lóc.
Chẳng cần phải hỏi cũng biết, là Nghiêm Thế Phiên an bài để ép Nghiêm Tung phải tỏ thái độ.
Từ cửa nhìn lên bức tường, thấy một con chim sẻ bị tiếng khóc làm kinh hãi bay lên bầu trời, thoáng cái đã không thấy đâu nữa.
Nghiêm Tung hâm mộ nhìn theo phương hướng con chim biến mất, bản thân chẳng bằng một con chim nhỏ, đành để tiếng khóc bao vậy, bị tiếng khóc này trói buộc, vĩnh viễn không thoát được.
Nghĩ tới đó, lòng lão ta thấy bức bối, quát lớn:
- Đừng gào thét nữa.
Tiếng khóc ngưng bặt, tất cả mọi người đều nhìn lão ta, hi vọng lão thay đổi chủ ý.
- Bảy ba tám tư, diêm vương không mời tự mình tới, lão phu năm nay đã tám ba rồi, đất vàng đã vùi tới cổ rồi mà các ngươi còn không chịu bỏ qua cho ta.
Nghiêm Tung thở dài:
- Được rồi, được rồi, ta làm theo lời các ngươi là được, các ngươi bảo ta làm gì thì ta làm nấy...
- Thật sao?
Nghiêm Thế Phiên tức thì lên tinh thần.
- Ta nào dám lừa ngươi chứ?
Nghiêm Tung nhìn hắn, tâm tình trong ánh mắt đó thật không biết phải diễn tả thế nào.