Còn tình cảnh của Công bộ thượng thư Lôi Lễ cũng không khá hơn là mấy, ông vốn tưởng rằng năm nay dừng việc tạo hành cung, thì dự toán Công bộ hẳn là sẽ rất dư dả, ai ngờ gặp phải đầu lĩnh Đằng Tường của lũ hoạn quan, hắn xen vào công việc của ông ở khắp mọi nơi, nói láo vu khống, cản trở mọi chuyện làm ông khó mà tiếp tục, khổ không nói nổi thành lời. Như việc Đằng Tường lấy việc tạo thụ quỹ (tủ kệ), mua sắm tất giao(sơn, keo dán), tu bổ thất đàn nhạc khí mà tăng thêm người, gây lãng phí rất nhiều; còn ở nhà xưởng có một cây gỗ lớn, chu vi hơn một trượng bốn xích, trị giá nghìn vàng, nhưng trong cung lại muốn dựng xưởng làm ngự khí (đồ sứ dùng trong cung), nên đã cho chặt sạch, tiêu phí vô cùng. Lôi Lễ không đủ sức làm chủ, còn bị nội quan làm nhục, nhưng cũng chỉ đành phẫn uất nuốt nước mắt mà thôi.
Lôi Lễ không cam lòng mới viết sớ trần tình, mang mọi chuyện bẩm báo lên hoàng đế, cũng nói "Trung quan lộng quyền, sự tình không phải như thế, nếu như lưu thần một ngày thì thêm chuyện một ngày, xin sớm cho thần lui về để bảo toàn toàn quốc thể", có ý không thể có chuyện cả hai cùng tồn tại. Ông chỉ muốn cảnh tỉnh hoàng đế, nên quản giáo chặt chẽ với Đằng Tường, không cho hắn can thiệp vào Bộ vụ, nhưng ai ngờ sự thực ngược lại, trên đọc xong thấy phật lòng nên muốn cho ông về quê. Nếu không có Từ Giai cực lực giúp đỡ, nói rằng chỉ là vài câu bực tức vì chức quyền bị chia sẻ, thì thật sự đã mất mũ ô sa rồi.
Những chuyện như vậy còn rất nhiều, đại thần mà tranh chấp cùng hoạn quan chưa bao giờ thắng được, lúc nào phần thua thiệt cũng thuộc về các đại thần, các quan viên khác nhiều người cũng bị giáng chức chỉ vì buộc tội hoạn quan.
Hoạn quan lòng tham không đáy, ngang ngược hoành hành, quyền thế ngày càng lớn, từ thời Gia Tĩnh trước nay chưa từng có, hiện tại cánh tay của bọn chúng cũng đã vươn tới quân sự và chính trị rồi.
Ngồi ở trong kiệu Thẩm Mặc không khỏi cười nhạt liên tục, xem ra hổ không ra uy thì chúng tưởng ta là mèo bệnh chắc.
-o0o-
Quả nhiên không tới mấy ngày, thấy Thành quốc công còn chưa có động tĩnh gì, bọn thái giám liền xúi giục hoàng đế hạ một đạo chỉ xuống nội các.
Hôm đó Thẩm Mặc cũng có mặt ở đó, sau khi Từ Giai xem xong liền đưa chỉ dụ cho y, Thẩm Mặc vừa xem qua liền thấy trên đó ghi "Đằng Tường tứ Vệ vẫn thuộc Ngự Mã giám, phái thêm thái giám Lữ Dụng, Cao Tương, Đào Kim vào đoàn doanh". Quả nhiên là đã bắt đầu, lòng tham cũng thật không nhỏ.
(Sau biến Thổ Mộc Bảo, kinh quân tam đại doanh (ngũ quân, tam thiên, thần cơ) tổn thất gần hết, Cảnh Thái Trung, Vu Khiêm bèn lựa chọn từ trong tam đại doanh ra mười vạn tinh binh, chia làm mười doanh tập trung thao luyện, gọi là đoàn doanh)
- Làm sao bây giờ?
Từ Giai nhìn Thẩm Mặc, trong ánh mắt lại có chút hả hê. Hắn vẫn cho rằng mới đây Thẩm Mặc hành động quá lớn, cuối cùng cũng gọi sói tới rồi. Cho nên mới nói, thanh niên à, ngươi còn chưa trưởng thành đâu... Có điều so với Trương Cư Chính của Hộ bộ thì khác, Từ Giai ủng hộ Thẩm Mặc làm như vậy bởi vì Cao Củng, Quách Phác lần lượt từ chức, khiến cho danh tiếng bản thân bị hao tổn nghiêm trọng, Từ Giai mau chóng phải có hành động để dời đi sự chú ý.
- Tất cả nghe sư tương làm chủ.
Thẩm Mặc mặc dù đã sớm chuẩn bị tâm lý, nhưng nhìn ngự bút đang mở ra vẫn thấy trong lòng lửa bùng lên từng đợt.
(sư tương: cách gọi kính trọng với tể tướng)
- Cấm quân từ trước đến nay lệ thuộc Ngự Mã giám, Binh bộ chẳng qua là quản lý thay. Kinh doanh cũng có truyền thống có thái giám làm giám quân, là từ thời tiên đế mới sửa lại.
Từ Giai cũng không có nhiều hứng thú, liền chậm rãi nói:
- Cho nên đạo ý chỉ này của hoàng thượng muốn sửa đổi rất khó.
(kinh doanh: tên gọi khác của tam đại doanh)
- Như vậy...
Thẩm Mặc nhíu mày:
- Sư tương đồng ý cho hoạn quan chấp chưởng lại quân quyền sao?
- Không...
Khi đứng trước một vấn đề nghiêm trọng, Từ Giai cũng trở nên nghiêm túc:
- Sao có thể để loạn Chính Đức tái hiện?
- Vậy phải làm sao?
Thẩm Mặc hỏi.
- Ngươi là người quản lý việc quân, chuyện này giao cho ngươi lo liệu đi.
Nhưng giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời, Từ Giai trôi chảy nói:
- Thái độ của ngươi chính là thái độ của nội các.
Vốn Thẩm Mặc cũng không trông chờ vào việc Từ Giai có thể đứng ra, gần đây quan hệ của ông ta cùng hoàng thượng đã có nhiều rạn nứt, Long Khánh giống như con lừa cứng cổ không chịu nghe lời, làm cho Từ các lão có phần hao tổn tinh thần. Từ Giai đã không mong chờ vào một minh quân như Nghiêu Thuấn nữa, trên không thượng triều, trên triều không bàn chính sự đều không có gì đáng kể nữa, đại thần ai làm cứ làm, ai chơi cứ chơi.
Tháng này theo lệ hoàng thượng tế tự Thái miếu, loại tế tự tổ tông này chính là quốc điển to lớn, ai cũng không được vắng mặt. Thế nhưng chính hoàng đế lại lệnh cho Thành quốc công Chu Hi Trung thay mặt. Lễ bộ thượng thư Triệu Trinh Cát thấy vậy liền mời hoàng đế đích thân tới, nhưng Long Khánh không đồng ý. Vì vậy Từ Giai đành phải tấu lên: "Nghi thức tế lễ, quốc gia đại điển. Hoàng thượng nhất định phải trai giới, sau đó để tỏ lòng thành với liệt tổ liệt tông, hoàng thượng cũng cần phải tự mình hiếu kính, tự mình ngưỡng bái. Hơn nữa từ trong cung tới miếu đường cũng không xa, hoàng thượng cũng biết, không lễ không phồn. Đàn ông lấy tổ tông làm trọng, dù có vất vả đi nữa thì cũng không được trốn tránh, huống hồ việc này vất vả lắm ư? Kính mong hoàng thượng tới Thái miếu hành lễ".
Tấu chương của Từ Giai sau khi công bố, trong triều không biết nên khóc hay cười, đâu không phải là thần tử tấu mời hoàng đế nữa, mà rõ ràng là giống với giọng điệu của người cha khuyên con, nói rõ lí lẽ, khuyên răn, thúc giục đều đủ cả. Long Khánh hoàng đế bất đắc dĩ mới làm theo. Thế nhưng miễn cưỡng cũng chỉ một lần, sau này vẫn là không tự mình tới miếu tự, khuyên như thế nào cũng vô ích. Đây là sự lười biếng hay còn có ẩn tình nào, thì người thường không ai biết được.
Nhưng Từ Giai có thể lý giải, đây là sự cảnh báo của hoàng đế đối với mình, trong lòng sinh ra tâm lý trái ngược, có thể nắm quốc gia đại sự hay chỉ ngồi chơi? Từ Giai cũng có chút nản lòng, với thái độ gần đây của hoàng đế thì hắn không cần biết chuyện ầm ĩ hoang đường đến đâu, chỉ cần ông không can thiệp vào quốc chính là hắn mặc kệ.
Nhưng quân chính đại sự nào phải trò đùa, Cho nên Từ Giai vừa bắt đầu đã tỏ rõ thái độ, có điều vì không muốn xảy ra xung đột với hoàng đế, cho nên mới để cho Thẩm Mặc tới xử lý. Đương nhiên để cho Thẩm Mặc an tâm thì ông ta vẫn đồng ý, nếu xảy ra tình huống xấu nhất thì sẽ dùng phong bác quyền với đạo chỉ còn phong ấn của hoàng đế... Nhưng tốt nhất là không xảy ra tình huống này, nếu không thì quan hệ với hoàng đế sẽ hoàn toàn đổ vỡ.
(phong bác quyền: với những chiếu thư sau khi đã ban ra nhưng chưa gỡ niêm phong, thì phong bác quyền chính là quyền thay đổi nội dung hoặc thay bằng chiếu thư khác)
Sau khi biết rõ thái độ của Từ Giai, Thẩm Mặc liền làm rõ trách nhiệm. Kỳ thật với quan hệ của y cùng hoàng đế, nếu như là chuyện khác thì chỉ cần tự thân đi tiếp kiến là được. Nhưng chuyện này quan hệ đến quyền khống chế cấm quân, kinh doanh, thần tử như y làm sao mở miệng? Nói lung tung không khéo sẽ chuốc họa vào thân... Cho dù Long Khánh có tín nhiệm y một lần nữa, cũng sẽ không chịu nổi bọn thái giám ngày ngày léo nhéo bên tai, cố sự ba người thành cọp cũng không phải chỉ là chuyện nói cho vui.
Cho nên y phải có sắp đặt, từ từ mưu tính. Ngày hôm sau, Binh Bộ Thị Lang Đàm Luân liền dâng tấu phản đối:
- Kinh quân doanh chế đã được tiên đế quyết định, thay đổi đoàn doanh, cố gắng khôi phục lại tam đại doanh thời nhị tổ, quan viên có số người quy định, không cần nội thị, điều này muôn đời không được thay đổi, di huấn rất rõ ràng. Nay muốn thay đổi là không được.
Long Khánh rất nhanh đã trả lời: "Trẫm xem [Đại Minh hội điển], có chế độ nội thần giám doanh, y lệnh lần trước mà làm".
Lúc này có Binh khoa Cấp sự trung Thạch Tinh nói đỡ: "Việc bố trí trung quan mặc dù từ xua không cấm, nhưng hầu như không thích hợp, lại còn gây rắc rối. Như đám người Vương Chấn, Uông Trực, Tào Cát Tường, Lưu Cẩn, Trần Hồng, tự tiện quyền uy, can thiệp triều chính, khai xưởng sản xuất, tàn sát vô tội, chèn ép binh quyền, phá hoại biên cảnh, mưu đồ gây rối, hãm hại trung lương, xúi giục bè cánh, xưng công tụng đức, quốc sự bỏ bê, rất nhanh lụn bại, cho nên phải hết sức cảnh giác, lấy đó làm gương. Cố tiên đế hết sức xoá trung quan giám quân, thu quân quyền với Binh bộ, cũng quyết định nội quan cùng nha môn phụ trách, pháp chế anh minh. Đây là tiên đế thánh huấn, cúi xin hoàng thượng minh giám"
Lời này đã đánh trúng lòng người, nhưng bọn thái giám nói với hoàng đế: "Đây rõ ràng là sự thoái thác của triều đình, quân quyền kinh sư đương nhiên phải ở trong tay bệ hạ mới an tâm, nay chẳng qua chỉ phái cận thị làm giám quân mà đã ra sức khước từ, như vậy trong lòng ra sao? Rất mong bệ hạ suy nghĩ."
Hoàng đế nghe vậy quả nhiên bị lừa, trong cơn giận dữ sai Cẩm Y Vệ bắt Thạch Tinh lại, mang ra ngọ môn đánh cho tám mươi trượng.