Nhà nàng, kẹo đường chỉ có đường đỏ thôi, còn đường trắng á? Mấy thứ đó chỉ có trong truyền thuyết mới có. Mao Kim Lan lớn ngần này rồi, cũng chỉ được thấy vài lần thôi.
Vụ gói bánh chưng thì Mao Kim Lệ hăng hái nhất, gói cũng đẹp nhất nữa. Tại gạo không có nhiều, nên bọn nàng không gói bánh to, lá gói bánh cũng chỉ vừa đủ một cái, bé tí tẹo, chỉ bằng bàn tay con nít thôi. Bên trong thì nhét đậu xanh trộn đường đỏ.
Hai cân gạo gói được cỡ hơn bảy mươi cái bánh nhỏ xíu, mỗi cái chỉ tầm hai lượng.
Gói xong thì cho ngay vào nồi luộc. Lúc này trời cũng hửng sáng rồi. Mao Kim Lan theo lệnh của Chu Đại Ni, đi kiếm bao nilon băm rau lợn, đổ vào máng ăn của lợn, thêm một bát cám rồi khuấy đều, bưng ra sau chuồng cho lợn ăn.
Con lợn nhà nàng là đầu năm ra Giêng đi nhà bà ngoại xin về, nuôi đến Tết may ra được tạ rưỡi. Mà tạ rưỡi đó còn phải nộp cho nhà nước một nửa, nửa còn lại mới là của mình.
Cả nhà thì mỗi Mao Kim Đào là quan tâm đến con lợn này nhất. Lần nào đi học về, nó cũng phải ra thăm lợn một tí.
Cho lợn ăn xong, Mao Kim Lệ đã quét tước sân sạch bong rồi. Hôm nay cũng không phải ra đồng, Mao Kim Lan không có việc gì làm, bèn về phòng may đế giày.
Đế giày làm bằng quần áo cũ rách nát may chồng lên nhau từng lớp từng lớp, may đến lớp cuối thì dán một lớp vải trắng lên trên. Tốn công, tốn sức, cả năm Mao Kim Lan cũng chỉ làm được hai đôi, đủ mình đi thôi.
Đang may, Mao Kim Lan lại nhớ đến Lý Chính Tín hôm qua nàng gặp. Hắn đi một đôi giày da bóng lộn. Trong lòng nàng không khỏi cảm thán, giày da á? Đắt đến cỡ nào nhỉ?
Nghĩ đến chuyện sau này đính hôn nhà gái phải sắm cho nhà trai một đôi giày, Mao Kim Lan lại nghĩ, chắc gì Lý Chính Tín đã đi giày nàng làm?
Nàng lại thấy buồn rười rượi. Rồi nàng lại nghĩ, sao Lý Chính Tín lại để ý đến mình nhỉ? Trên trấn gái có học, có văn hóa đầy ra đấy, xinh hơn nàng cũng không thiếu, sao hắn lại để ý đến mình nhỉ? Thật là khó hiểu.
Sáng không đi làm thì không có ăn sáng. Đói bụng cũng chịu thôi. Bánh chưng luộc xong, Chu Đại Ni gắp ra mười cái, mỗi người được năm cái.
Gạo nếp mềm oặt, bên trong nhân đậu đỏ vừa ngọt vừa thơm, Mao Kim Lan ngậm trong miệng, chẳng nỡ nuốt.
Ăn hai cái bánh chưng, bụng có tí gì rồi, cũng đỡ thấy đói. Chu Đại Ni gói mười cái bánh chưng lại, bảo Mao Kim Lan mang biếu bà ngoại. Nhà bà ngoại Mao Kim Lan ở thôn Ba Đài, cách trấn không xa. Năm nào đến Tết Đoan Ngọ, Chu Đại Ni cũng gói bánh chưng mang biếu nhà bà ngoại một ít, năm nay cũng vậy thôi. Nhưng cũng có chỗ khác, mọi năm việc này đều do Mao Kim Lệ hoặc chính Chu Đại Ni đi.
"Con về qua đấy thì tiện đường ghé lên trấn, ra cửa hàng tạp hóa mua cho mẹ ít vải. Quần áo bố con rách hết rồi, không vá thì chẳng có cái gì mà mặc nữa." Chu Đại Ni nói, đưa cho Mao Kim Lan cái phiếu vải trong túi.
"Vâng, con biết rồi." Mao Kim Lan kiếm cái giỏ con hay dùng để thăm người thân, bỏ bánh chưng vào, phiếu vải cẩn thận nhét trong túi.
Vải vóc nhà nước đang khan hiếm, dân quê như bọn nàng, mỗi người một năm chỉ được cấp có mét bảy vải thôi. Mét bảy vải thì làm được cái gì? Chỉ đủ vá quần vá áo.
Dân trên trấn thì ngon rồi, ngoài phiếu vải ra, còn phiếu thịt, phiếu gạo, phiếu kẹo đường các kiểu. Nghĩ vậy, con gái lớn lên trấn đúng là việc phải làm. Đến lúc đó nó rỉ ra cho ít thì cả nhà cũng được nhờ.
"Mẹ, con đi đây."
"Đi đi con."
Đầu năm nay, dưới quê không có xe cộ gì đâu, đi lại chỉ có đi bộ thôi. Hôm nay cũng khối người đi về ngoại, Mao Kim Phương cũng vậy. Nó đang buôn dưa lê với mấy người khác, liếc mắt một cái thấy Mao Kim Lan, liền vác cái giỏ chạy lon ton lại.
"Lan Lan, năm nay sao lại đến lượt mày đi về ngoại thế?"
Mao Kim Lan thấy nó, cũng không nhịn được cười: "Ai mà biết mẹ tao nghĩ gì. Thôi không nói nữa, nhà mày gói bánh chưng nhân gì đấy?"
Mao Kim Phương lấy từ trong giỏ ra một cái bánh chưng, xé ra đưa cho Mao Kim Lan: "Nhân đậu phộng."
Mao Kim Lan nhận lấy ăn, từ trong túi móc ra một viên kẹo cứng đưa cho Mao Kim Phương. Mao Kim Phương cũng chẳng hỏi nó lấy đâu ra, bóc vỏ bỏ vào miệng nhai tóp tép. Đó là sự ăn ý từ bé giữa nàng và Mao Kim Phương, ai có đồ ngon đều không quên người kia.
"Tao nghe nói bà mối Vương lên nhà mày đấy, có phải nói chuyện cưới xin không? Nói ai đấy?" Nhà chồng tương lai của Mao Kim Phương ở ngay sát vách nhà bà mối Vương. Có người đến nhà bà Vương, chẳng mấy chốc là cả xóm đều biết. Mà bà Vương thì kín miệng lắm, muốn nghe ngóng được gì từ mồm bà ta còn khó hơn lên trời.
Mao Kim Lan ngó nghiêng trước sau, thấy không ai để ý đến bọn nàng, bèn nói nhỏ: "Nói cho tao đấy, nói thầy Lý ở trường trấn."
Thầy giáo ở trường trấn có mấy mống đâu. Loại trừ mấy bà cô giáo, lại trừ mấy ông có vợ rồi, còn lại được có hai ba mống. Mà thầy Lý thì có một. Mao Kim Phương phấn khích: "Có phải thầy Lý mà tao nghĩ không?"
Trước ánh mắt long lanh của Mao Kim Phương, mặt Mao Kim Lan lặng lẽ ửng hồng.